THAY ĐỔI NHỎ THÀNH CÔNG TO CÙNG HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ
“TƯ DUY VÀ HÀNH VI TÍCH CỰC TRONG CÔNG VIỆC VÀ TỔ CHỨC”-
DIỄN GIẢ NGUYỄN THIỆN HOÀNG

(Cảm nhận của Sinh viên Trường Đại học Văn Lang)

Mở đầu cho một sáng thứ Bảy đẹp trời ngày 9/5/2020, BCN Khoa và toàn thể sinh viên Khóa 23 Khoa Quản trị kinh doanh đã cùng nhau lắng nghe những chia sẻ rất quý giá và thiết thực từ Giảng viên Nguyễn Thiện Hoàng – Chuyên gia đào tạo tâm lý ứng dụng và đồng thời là một trong những nhà sáng lập Công ty TNHH New Me (Học viện con người mới) trong hội thảo chuyên đề “Tư duy và hành vi tích cực trong công việc và tổ chức”.

Đối với sinh viên, việc chuẩn bị kiến thức cho mình có vẻ chưa là một hành trang đầy đủ nếu thiếu đi một tâm lý vững vàng cùng những kỹ năng cần thiết, và một trong số đó không thể không kể đến kỹ năng giao tiếp và vượt qua những khó khăn trong con đường sắp tới. Ngay trong 90 phút của hội thảo, những hành trang tâm lý ấy dường như được đặt những viên gạch đầu tiên giúp sinh viên chúng em có thể hình thành được những khái niệm cũng như những cách thức mới về nhiều vấn đề trong tâm lý của bản thân mình.

Thầy mở đầu chia sẻ với một câu nói được xem là hành trang giúp Thầy luôn có những suy nghĩ tích cực rằng “Bạn xứng đáng được những điều tốt đẹp nhất, nếu bạn cho phép điều đó xảy ra”, đồng thời việc này cũng đến từ những tư duy và suy nghĩ tích cực của cá nhân mỗi người-Thầy cho biết thêm.

Đa số ở độ tuổi này như sinh viên, việc suy nghĩ tích cực có lẽ không là một điều dễ dàng vì có rất nhiều áp lực vây quanh hoặc có thể suy nghĩ tích cực nhưng chưa có hành vi tích cực hoặc biết cách duy trì việc đó, Thầy đã nhanh chóng khái quát những khái niệm cơ bản để chúng em có một cái nhìn tổng quan hơn như sau:

  • Suy nghĩ: Suy (đưa ra kết luận có phân tích), Nghĩ (hành động có ý thức).
  • Tư duy: Tư (cá nhân), Duy (giữ 1 điều gì đó thường xuyên và liên tục theo thời gian)
  • Nhận thức: là quá trình tiếp thu kiến thức và những am hiểu thông qua suy nghĩ, kinh nghiệm, giác quan
  • Hành vi: là một chuỗi các hành động lặp đi lặp lại và hành động là toàn thể những hoạt động.

Nói đến đây, Thầy bắt đầu vẽ ra những bức tranh thực tế để chúng em nhanh chóng liên tưởng đến bản thân và những người xung quanh, những cảm nhận về thế giới và môi trường hay đơn giản là một mối quan hệ. Đồng thời, Thầy gợi nhắc việc lúc bản thân nhớ tới một người thì chúng em sẽ nhớ về gì của họ, nếu chúng em yêu thích họ sẽ nhớ những điều tốt đẹp hay có phải chúng em sẽ dễ mắc sai lầm trong việc nhìn một người qua vẻ ngoài chứ không bẳng cảm nhận thật sự? Lấy ví dụ về một người vừa ra tù thì họ liệu có thể được nghĩ là một người tốt hay không, hoặc một người làm việc lâu năm có phải có tư duy cục bộ hay không? – Đó là một trong vô vàn những điều mang tính tiêu cực và mau chóng thay đổi bởi tất cả đều do suy nghĩ mà cấu thành, và dĩ nhiên điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc và hành vi của chính mỗi người.

Để khắc phục được những điều trên thì chúng em phải hiểu được gốc rễ của vấn đề là ở đâu? – Không chút do dự, Thầy nói rõ về mối liên quan giữa suy nghĩ, tư duy và hành vi qua câu nói quen thuộc của những nhà tâm lý học. Chính xác hơn, đó cũng là một trong những vấn đề cốt lõi mà bản thân mỗi người cần phải nhìn nhận thật kỹ càng trước khi suy nghĩ về một điều gì đó, tuy là nhỏ nhưng sẽ là điểm mấu chốt quyết định “bạn của tương lai”.

Sau khi diễn giả nhận định được rõ ràng nguồn gốc cho vấn đề đã không quên nói thêm những lợi ích to lớn mà việc tư duy tích cực mang lại để giúp bản thân của mỗi người nhận thức được rõ hơn và có quyết tâm hơn mà thay đổi tư duy của chính mình mỗi ngày.

Nhưng có lẽ một mình việc tư duy là chưa đủ vì chúng em sẽ còn cần thực thi điều đó để cộng đồng xung quanh cùng trở nên tích cực hơn, thầy Hoàng đề cập tới truyền thông và mối quan hệ đi kèm – đây cũng là vấn đề rất thú vị vì đa số phần lớn sinh viên nói chung và sinh viên Văn Lang nói riêng đều hay vướng phải khi không diễn đạt được ý của mình trong giao tiếp và tận dụng tốt khả năng truyền thông tin mà chúng em đang có. Và như đã nói, Thầy Hoàng lại một lần nữa chỉ dẫn rất tận tình và đưa ra lời khuyên với mọi người rằng hãy vận dụng tốt nguồn lực, lựa chọn cho mình những hành động cùng lối nghĩ phù hợp với bối cảnh của từng trường hợp, đồng thời cũng cần phải hiểu tường tận vấn đề diễn ra hằng ngày và cách cải thiện sự liên kết với người khác – những điều đó sẽ là chìa khóa thành công của chúng em trong tương lai dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Dành cho 1/3 thời gian còn lại của chặng đường là định nghĩa về lòng biết ơn và sự khiêm tốn. Sâu xa hơn, Thầy đã đặt tên của hai vấn đề này là nền tảng vững chắc về giá trị cuộc sống để thầm gợi nhắc với mọi người rằng chúng em có thể đã bỏ qua rất nhiều điều đáng nhớ và giá trị sống thật sự. Tại ngay lúc ấy, trong mỗi người tham gia bắt đầu nghĩ lại về bản thân của mình và tự thấy rằng quả thật đã có nhiều điều bỏ sót, cần thay đổi việc đó ngay để tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn hơn.

Và như mọi chuyên đề khác, thời lượng dành cho phần Q&A bắt đầu trước một vài phút kết thúc hội thảo để giải đáp những rối ren trong lòng của sinh viên từ lâu, Thầy chăm chú lắng nghe từng câu hỏi và giải đáp một cách tâm lý và nhiệt tình, đồng thời là đề cao sự lựa chọn của cá nhân vì Thầy hiểu hơn ai hết chính lối suy nghĩ và hành động của bản thân quyết định mọi diễn biến xảy ra trong cuộc sống, nếu cá nhân tích cực thì sẽ có những người bạn tích cực, công việc tích cực và một cộng đồng tích cực. Đó cũng là một lời nhắn gửi cũng như mong muốn truyền đạt của Thầy trong buổi sáng hôm ấy.

Đến lúc nói lời chào tạm biệt, Thầy đã nở một nụ cười tươi với sinh viên và không quên cảm ơn những nhà chức trách đã hỗ trợ cho Thầy được gặp chúng em, điều đó thật đáng quý và đáng ghi nhớ biết bao.

Qua chuyên đề này, sinh viên Khóa 23 Khoa Quản trị kinh doanh xin gửi lời cảm ơn chân thành đến với BGH Nhà trường, BCN Khoa, Cô Phạm Thiên Vũ và Thầy Nguyễn
Thiện Hoàng đã dành cho chúng em một hội thảo đặc biệt để trau dồi thêm những kỹ năng và cách thay đổi bản thân nhằm trở nên ngày một tốt hơn, một phần nữa là trang bị thêm nhiều điều quan trọng cho hành trang tâm lý cuộc đời ngày càng vững chắc. Chúng em hi vọng sẽ được gặp lại Thầy Hoàng lần nữa và có cơ hội tham gia nhiều chuyên đề mới về những khía cạnh cuộc sống mang tính thiết thực và gần gũi như thế này.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 5 năm 2020
Huỳnh Thị Yến Phượng-Q170672-K23Q02

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *