Cứ nhớ hoài cách đây khoảng 15 năm, trong một lần tham gia vào một nhóm sinh hoạt, một người chị lớn hơn mình hai tuổi đã nói: “Sao hôm nay chị thấy mày lạ vậy H !? Cứ như mày là một con người khác, chứ không phải là thằng H mà tao biết từ hai năm nay !?
Mặt chị càng đơ ra hơn khi nhận được câu trả lời:
“Biết đâu cái-thằng-mà-chị-biết không phải là thằng H? Mà lại là cái thằng được-cho-là-thằng-H? Và cái thằng mà chị biết hôm nay mới chính-là-thằng-H?
Và tôi chỉ phì cười khi chị cố gặng hỏi thêm…
***
Thường khi đã quen thân, người ta mới cho nhau thấy con người thật của mình.
Hay nói đúng hơn, lúc đã quen thân, người ta mới dám sống thật con người của mình.
Quen thân, nghĩa là đã vượt qua ranh giới của thời gian, của thử thách, của niềm tin.
Quen thân, nghĩa là không cần phải che đậy, phải giấu diếm, phải e dè.
Quen thân, nghĩa là không sợ bị đánh giá, bị lên án, bị chỉ trích hay bị coi thường.
Và khi quen thân, người ta mới dám rớt cái mặt nạ của xã giao, của lễ nghĩa, của trí thức.
Khi đã quen thân, người ta sống thật con người của mình!
***
Thường khi đã quen thân, người ta cũng có thói quen nhìn mọi sự dưới khía cạnh đơn giản của vấn đề. Đó là cái nhìn xuề xòa, dễ dãi, bỏ qua…
Thường khi đã quen thân, cái nhìn của người ta về con người cũng giống như cái cách mà họ nhìn vào bàn tay của người khác – chỉ nhìn thấy được mặt phải của bàn tay, mà quên đi cái mặt trái đen xì bên kia, cũng là một mặt khác của bàn tay người ta không thể thấy, nhưng nó vẫn hiện diện ở đó.
Hay nói đúng hơn, họ quên đi mất rằng, nhân cách của con người cũng giống như bàn tay, có đến hai mặt: trái và phải, đen và trắng, đẹp và xấu. Nó vẫn ở đó, phần nửa bên kia, nửa còn lại, nửa bị che giấu, nửa chưa được thừa nhận…
Thiện Tâm