Trong những lần tham vấn cho các thân chủ trẻ tuổi, tôi thấy nổi bật lên một khuynh hướng mà ảnh hưởng của nó đang lan tràn, hầu như chiếm ngự mọi suy nghĩ và hành động của các bạn, và là nền tảng cho mọi lệch lạc tâm lý, kéo theo sự bất an trong tâm hồn, đó chính là khuynh hướng “nhất thời, tạm bợ”.

 

Nói rõ hơn, khuynh hướng đó là con đẻ của nền văn hóa tân tiến, hợp mốt hiện nay mà người ta đang chú trọng và lôi kéo các bạn trẻ sống theo nó qua những clip ca nhạc, quảng cáo và suy nghĩ thực dụng trong mọi lãnh vực của đời sống. Khuynh hướng này còn đến từ những người giàu đặt nặng lợi ích của tiền bạc và khinh chê những giá trị tinh thần. Nó khuyến khích mọi người bỏ đi bất cứ những gì hay những người nào họ cho là không còn ích lợi nữa, và tạo ra một niềm tin giả tạo rằng không có gì bền vững mãi mãi, kể cả tình yêu.

 

Hậu quả của khuynh hướng này là ngày càng làm cho các bạn trẻ mất dần đi niềm tin vào cuộc sống, vào chính mình và vào con người. Khuynh hướng này còn làm bào mòn mọi giá trị và thử thách lòng kiên nhẫn của các bạn trẻ khi đối diện với những biến cố trong đời sống cá nhân.

 

“Nền văn hóa nhất thời” khiến cho giới trẻ ngày nay khó làm được những cam kết trọn đời và khuyến khích những cặp vợ chồng trẻ sẵn sàng bỏ nhau khi có khó khăn xẩy ra, thay vì chung tay góp sức để vượt qua nghịch cảnh.

 

Tôi nghe từ miệng một bạn trẻ: “Anh ơi, bây giờ tụi em lấy nhau trong một tư thế sẵn sàng ly dị. Ai biết được tương lai như thế nào? Con người ai cũng có số, cứ lấy đi xem có hợp không,

mấy năm sau nếu thấy không hợp thì làm lại (ly dị và lấy người khác) cũng được!?”

 

Thậm chí, tôi còn được nghe từ một bạn nam rằng: “Mẹ em nói vợ chồng như chiếc áo, chiếc quần; nếu lỗi thời, hết mốt rồi thì có thể thay cái khác cũng được…”

 

Tôi nghe mà giật mình vì kiểu dạy con thực dụng như vậy. Điều này đồng nghĩa với việc coi con người như một đồ vật, tài sản – bỏ tiền ra lấy về rồi khi đã sử dụng chán chê, “no xôi chán chè” nếu thấy tài sản đã xuống sắc hay hết hạn bảo hành, người ta quẳng đi không thương tiếc để chọn một cái khác đẹp hơn.

 

Với những quan điểm và giá trị sống đó, những con người trẻ bước vào đời với một tâm trạng luôn luôn “không bao giờ chắc chắn vào điều gì”, ngay cả những điều thiêng liêng và cao quý nhất, đó chính là Tình yêu và tình cảm gia đình.

 

Và hệ quả có thể thấy được trước mắt của một gia đình được xây dựng trên nền tảng của những giá trị tạm bợ – có thể thay thế lúc nào cũng được, là họ luôn bị bất an và không còn tin vào bất cứ điều gì trong cuộc sống nữa. Cuộc sống đối với họ chỉ là những thứ trước mắt thấy được, chỉ là sự tạm bợ, nhất thời và sẽ thay đổi chóng qua theo ngày tháng.

Như vậy còn đâu những giá trị vĩnh hằng, còn đâu những tình yêu hy sinh cao cả và vô vị lợi, còn đâu là sự trung tín trước những hoàn cảnh ngặt nghèo…? Một chuỗi những bất an kéo dài dẫn đến hụt hẫng trong tâm hồn, tạo ra nhiều hệ lụy về Tâm lý không lường trước được.

 

Đâu là nền tảng của giá trị sống?

 

Chỉ ở hai chữ NIỀM TIN.

 

Xét cho đến tận cùng của mọi sự: bạn có TIN hay không!

 

Câu trả lời không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

 

Niềm tin của con người phải được xây dựng từ trong chính một gia đình bền vững, biết yêu thương nhau chân thực và không giả dối. Cha mẹ yêu thương con không vì con cái có của cải hay vật chất. Cha mẹ yêu thương con không vì mong chờ sau này được đáp trả. Cha mẹ yêu thương con không vì ngoại hình con đẹp hay xấu. Cha mẹ yêu thương con vì một tình thương được phú bẩm sẵn trong tâm hồn và hạnh phúc, sung sướng khi nhìn đứa con bụ bẫm phát triển hình hài lớn lên theo từng ngày tháng. Tình yêu đó vô vị lợi và bất biến.

 

Từ cái nôi êm ả và đầy tình yêu thương vô điều kiện đó, một con người với khả năng “nội tâm hóa” cao của mình, mới có khả năng Yêu và phát triển một tình yêu lành mạnh, bền vững ngoài xã hội khi trưởng thành.

 

Ngoài ra, niềm tin của con người còn được củng cố bằng việc chọn lựa có tin vào một Đấng vô hình nào đó mà người ta gọi ông Trời hoặc Thượng Đế hay không.

 

Chính khi chọn lựa tin vào một Đấng vô hình nào đó, người ta tin vào chính Lương tâm của mình. Chính trong sâu thẳm của Lương tâm, con người tìm thấy sự hiện diện của một lề luật không phải do con người tự tạo ra, nhưng chính con người cảm thấy bó buộc phải tuân theo. Tiếng nói sâu thẳm của Lương tâm không ngớt thôi thúc con người yêu mến và thực hiện điều lành – tránh điều dữ. Phẩm giá của con người là nghe theo tiếng gọi của Lương tâm và chính Lương tâm sẽ là quan tòa của con người.

 

Chính khi chọn lựa tin vào một Đấng vô hình nào đó, người ta tin vào con đường Hậu của đời người, và biết tìm về Chân – Thiện – Mỹ, kiểm soát những dục vọng thấp hèn của bản năng.

 

Và khi con người khi đạt đến độ chín của Niềm tin thì cũng là lúc con người tự giải thoát cho họ khỏi những hời hợt và bất an trong tâm hồn, thoát khỏi những ràng buộc của lệch lạc tâm lý và hướng đến một “Tâm an” nhất định!

 

Vô Ngã
(viết vội tại một quán cafe)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *