HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ BẢN THÂN

Từ vốn kiến thức phong phú cùng với những trải nghiệm sâu sắc trong quá trình đào luyện, A. Cencini đã trình bày một tiến trình khám phá bản thân với bốn bước. Khảo sát bốn bước khám phá theo A. Cencini là một việc đáng làm.

Tuy nhiên, trước hết cần nhắc lại một chút về những liên quan giữa nhu cầu, động cơ, tình cảm, thái độ và hành vi của con người.

 Từ động cơ đến hành vi

Người ta nhận thấy một hoạt động của con người thông qua cử chỉ, hành vi. Tuy nhiên cử chỉ và hành vi người không chỉ là những hoạt động cơ học (thể lý) để thực hiện nhiệm vụ chiếm lĩnh đối tượng hoạt động, nhưng luôn kèm theo thái độ là cái thể hiện cảm xúc, hứng thú, tâm trạng của chủ thể hoạt động.

Thông thường, qua thái độ người ta có thể biết được tình cảm của chủ thể hoạt động đối với đối tượng hoạt động (và cả với bản thân). Tuy nhiên, cũng nhiều khi khó có thể biết được tình cảm thực sự của chủ thể, vì qua luyện tập người ta có thể biết cách che dấu tình cảm thực sự của mình.

Tùy vào kinh nghiệm sống cá nhân, người ta có thể phán đoán về động cơ hoạt động của một người thông qua hành vi, cử chỉ, thái độ, phương cách làm việc của người đó. Một phán đoán từ bên ngoài có thể đúng hoặc sai tùy vào kiến thức (kiến thức kiến trúc và kiến thức chú giải), kinh nghiệm của người phán đoán. Tuy nhiên, nếu thành thật với bản thân và tôn trọng sự thật khách quan, đồng thời dựa trên những chuẩn mực đúng đắn, thì phán đoán đúng nhất là phán đoán về chính bản thân mình..

Trong hành trình khám phá bản thân, một khi đã nhận ra động cơ thực sự của bản thân và khách quan trong đánh giá phán đoán về nhu cầu, sự thỏa mãn bản thân cũng như thuộc tính đối tượng thì có thể tin tưởng rằng, con người có thể nhận ra “bất nhất nội tâm” để hiểu biết chính mình.

Hành trình khám phá

Cencini đề nghị lộ trình khám phá sự bất nhất nội tâm với bốn giai đoạn tự quan sát và phân tích (thông qua việc trả lời bốn câu hỏi chính) như sau:

Có thể tóm tắt bản chất lộ trình mà A. Cencini đề nghị là: việc quan sát, ghi nhận cử chỉ, hành vi (cách cư xử) của bản thân – trả lời câu hỏi “tôi đã làm thế nào?” để nhìn nhận khách quan thái độ hoạt động ngõ hầu nhìn rõ tình cảm thật của mình – trả lời câu hỏi “tại sao tôi làm như thế?” để xác định rõ động cơ thúc đẩy bẩn thân – dựa theo lương tâm thành thật mà trả lời câu hỏi “tôi làm cho ai?” để xác định chính xác ai là người được hưởng lợi từ các hoạt động sống của tôi (dựa theo các tiêu chuẩn mà lương tâm tôi lấy ra để phán xét). Vì lý do khó kiểm chứng tính khách quan của các phán đoán nên người ta có thể và thường biện minh cho mình bởi rất nhiều lí do xem ra hợp tình hợp lý, nhưng trả lời một cách khách quan câu hỏi “tôi làm cho ai?” hay “ai đang hưởng lợi từ việc làm của tôi?” thì người ta sẽ rõ được động cơ thực của bản thân.

Kết quả cuối cùng mà tiến trình trên đưa lại là xác định được sự “hiểu lầm căn bản” trong phán đoán của bản thân mà theo đó động cơ hoạt động được hình thành. Một khi sự hiểu lầm căn bản được chỉ ra, con người có thể nhận ra căn tính thực của mình và biết mình phải làm gì để điều chỉnh bản thân.

Để hiểu rõ được căn tính của mình, cần phải thực hiện tiến trình trên theo nhiều phương diện của cuộc sống, theo nhiều tương quan sống khác nhau. Đồng thời điều rất quan trọng là chuẩn mực nào được dẫn ra làm nền tảng cho các phán đoán. Các chuẩn mực này lại là hệ quả của thang giá trị mà cá nhân lựa chọn.

Cũng có thể thấy rằng, nhu cầu thực sự của con người sẽ được xác định, điều chỉnh bởi chính thang giá trị mà người đó lựa chọn. Chính sự khác biệt trong thang giá trị đã tạo nên sự khác biệt trong “cách nhìn cuộc đời” và động cơ sống của mỗi người.

A. Cencini ví quá trình khám phá bản thân, tìm ra nhu cầu đích thực của bản thân giống như là khám phá với một matriochka của Nga khi ông viết “nhu cầu lộ ra bề ngoài là bản chất tình cảm, nhưng nhu cầu cụ thể có thể là khác” [2, 80].

Điều mà A. Cencini nhấn mạnh là “động cơ bất nhất vô thức nằm ở trung tâm cuộc sống, từ đó nó điều khiển và chỉ cách hành động… nó trở thành mục đích trung tâm của mọi hoạt động và của mọi tương quan, như thể nó luôn hiện diện mọi lúc trong cuộc sống” [2, 83]. Cuối cùng A. Cencini kết luận “Vì thế sự bất nhất phân chia con người, làm cho nó tan rã” [2, 84], làm cho méo mó cái nhìn của con người về bản thân và về các tương quan sống; cuối cùng dẫn đến hủy hoại hạnh phúc con người.

KẾT LUẬN

Bài viết này không có ý trình bày một tham khảo về tâm lý học hay phân tâm học (Psychoanalysics), cũng không phải là nghiên cứu của người viết về những vấn đề liên quan. Bài viết này chỉ là tóm tắt lại các ý tưởng từ một số sách vở, tài liệu có liên quan mà không phải ai cũng có thời gian và cơ hội thuận tiện để đọc một cách kỹ lưỡng

Nếu như mục đích của khám phá bản thân là tìm ra được căn tính (identity) cá nhân thì ít nhất là phải chỉ rõ được bộ ba: động cơ thực – nhu cầu thực – sự bất nhất trung tâm của mỗi người. Chính vì thế, tìm hiểu về sự hình thành của động cơ ý thức và động cơ vô thức hẳn là điều hữu ích để việc thực hành khám phá bản thân không dừng lại ở khía cạnh kỹ thuật, nhưng có chiều kích nhân bản sâu xa hơn.

Kinh nghiệm của nhiều người cho biết, kết quả của nhiều cuộc khám phá bản thân là cảm nhận được “sự xấu xa khủng khiếp nơi bản thân”. Điều này là cần thiết và gần như tất yếu. Nhưng đó không phải là mục tiêu cuối cùng. Cũng có người nói phải chấp nhận bản thân và xem đó là một mẫu sống mới.

Mục tiêu của khám phá bản thân là gì?

Nếu như kết quả của hành trình khám phá bản thân theo A. Cencini là chỉ ra được “sự bất nhất trung tâm” thì mục tiêu của khám phá bản thân là tìm ra được “một trung tâm giúp tôi sống tràn đầy nhân bản của tôi, không buộc tôi cắt cụt nhân bản của mình…một trung tâm hăng say giúp tôi sống tràn đầy những tình cảm của tôi, giới tính của tôi và cả phần tiêu cực, sự dễ bị tổn thương của tôi” [2, 113-114].

Thiện Tâm (viết lại của tvevn)

 

Tài liệu tham khảo

[1].      Lưu Hồng Khanh, Tâm lý học chuyên sâu – Ý thức và những tầng sâu vô thức, nxb Trẻ,  2005.

[2].      Amadeo Cencini, Giáo dục, huấn luyện và đồng hành, nxb Phương Đông, 2011

[3].      Pascal Ide, Biết được những tổn thương của mình, nxb Emmanuel 1992

[4].      David H. Jonassen, “Activity theory as a Framwork Designing Constructivist Learning Environments” ETR&D. Vol 47, No1, 1999, pp 61-79. ISN 1042-1629

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *