Một số cơ chế phòng vệ thường gặp:
– Bù trừ (Compensation): Bù trừ là tiến trình chúng ta điều chỉnh một phần yếu kém của cơ thể bằng cách phát triển sức mạnh ở những phần khác. Ví dụ: Một người lùn che đậy yếu kém về mặt cơ thể của mình bằng cách học thật giỏi để mọi người chú ý đến yếu tố học giỏi mà không chú ý đến đặc điểm lùn hay một người mù có thể phát triển đặc biệt các năng khiếu thính giác. Ngoài ra còn có cơ chế bù trừ quá mức (overcompensation). Bù trừ quá mức là tiến trình hoán chuyển sự yếu kém thành một sức mạnh. “Các ví dụ điển hình như: Teddy Rososevelt vốn là một đứa trẻ ốm yếu nhưng đã trở thành một nhà thể thao ngoài trời giãi nắng dầm mưa. Demosthenes, một người vốn có tật nói lắp nhưng đã trở thành nhà hùng biện lớn”.
– Chuyển di/Chuyển dịch (Displacement): Là tiến trình dịch chuyển những cảm xúc (chủ yếu là cảm xúc thù địch, ghét bỏ hoặc là yêu thương) từ một đối tượng này sang một đối tượng khác an toàn hơn. Câu “giận cá chém thớt” mang nội dung ý nghĩa tương tự. Đây là cơ chế thường xảy ra trong tiến trình tham vấn, chính vì thế nhà tham vấn cần phải hiểu rõ cơ chế này để tránh những tổn thương không đáng có cho thân chủ và làm ảnh hưởng không tốt đến tiến trình tham vấn tâm lý. “Cơ chế chuyển dịch có thể xảy ra theo “kiểu phản ứng dây chuyền” (chain-reaction). Ví dụ: Người đàn ông giận dữ với ông chủ của mình nhưng anh ta không thể nói ra được những cảm xúc đó vì thế anh ta về nhà cáu ghắt và đánh vợ, người vợ bực bội lại đánh một trong những đứa con, đứa con tức quá đá con chó”[57]. S.Freud cho rằng, chuyển dịch đóng vai trò quan trọng và góp phần rất lớn cho sự phát triển của nhân loại vì chuyển dịch sẽ dẫn đến cơ chế thăng hoa. Ngoài ra còn có cơ chế phản chuyển dịch. Cơ chế phản chuyển dịch hay còn gọi làchuyển dịch ngược xuất hiện khi thân chủ dịch chuyển cảm xúc sang nhà tham vấn, nhà tham vấn cũng mang những cảm xúc riêng tư của mình nay lại gặp những cảm xúc do thân chủ dịch chuyển sang nhưng không làm chủ được nên đã đẩy những cảm xúc đó về lại phía thân chủ. Vì vậy, nhà tham vấn cần phải kiểm soát và làm chủ hoàn toàn cảm xúc của mình. Trong những trường hợp xảy ra chuyển dịch, tham vấn viên cần phải lắng nghe thân chủ để thân chủ có thể bộc lộ cảm xúc của mình một cách an toàn.
– Chuyển dạng (Somatization): Chuyển dạng là tiến trình chuyển những lo âu về mặt tâm lý sang những triệu chứng về mặt thực thể. Những triệu chứng thường thấy có thể là: liệt, mù, điếc, câm hay có thể có những cơn co giật, mệt mỏi, đau đầu, căng cơ…Thân chủ thường cảm thấy mình bị đau ở một bộ phận nào đó mà không biết nguyên nhân xuất phát từ đâu, họ luôn rên rỉ, kêu ca, phàn nàn về nó nhưng khi khám về mặt thực thể thì không phát hiện ra bất cứ một loại bệnh nào. Cơ chế này thường được sử dụng hầu hết ở những thân chủ được chẩn đoán là rối loạn cơ thể hoá (Somatization Disorder).
– Chia thành ngăn (Compartmentalization): “Là tiến trình chủ thể phân chia và chế ngự những ý nghĩ có xung đột với một ý nghĩ khác. Điều này xảy ra khi chúng ta có những niềm tin khác nhau và thậm chí là chúng ta có những xung đột về mặt giá trị. Ví dụ: Một người rất mộ đạo nhưng ông ta còn là một nhà khoa học luôn giữ trong mình những niềm tin đối lập nhau do có sự phân chia về mặt nhận thức khác nhau. Ở nhà thờ, ông có thể hoàn toàn tin vào những điều mê muội nhưng ở phòng thí nghiệm thì ông ta nghi vấn mọi thứ. Hay bà mẹ nói về đứa con của mình: “Ở trường con tôi là thiên thần nhưng ở nhà con tôi là ác quỷ”. Chia thành ngăn là quá trình xây dựng những bức tường để ngăn chặn những xung đột từ bên trong. Trong cuộc sống, tất cả mọi thứ chúng ta đều chia thành những ngăn, điều đó thể hiện rõ ở mỗi nơi chúng ta giao tiếp, hành xử với những giá trị, những tư cách và những cách thức khác nhau”.
– Dồn nén(Repression): “Dồn nén là tiến trình chủ thể đẩy những ý nghĩ vào cấp độ vô thức và ngăn chặn những những nỗi đau hay những ý nghĩ nguy hiểm quay lại cấp độ ý thức”.
– Đồng nhất hoá (Identification): Đồng nhất hoá là tiến trình chủ thể tiếp nhận từng phần hay toàn bộ những đặc điểm của người khác. Có thể đồng nhất hoá những đặc điểm bên ngoài như: quần áo và kiểu tóc. Đây là một trong những cơ chế quan trọng được Sigmund Freud đề cập trong học thuyết Phân tâm cổ điển. Theo Sigmund Freud, nhờ cơ chế đồng nhất hoá mà đứa trẻ ở giai đoạn dương vật sẽ vượt qua phức cảm Ơđíp hay phức cảm Electra và cũng nhờ cơ chế này mà đứa trẻ có thể nhập tâm (internalize) những gì mà trẻ cho là tích cực từ những người khác thành những cái của mình. Điều này góp phần rất lớn cho sự phát triển nhân cách của trẻ.
– Đồng nhất xạ ảnh (Projective Identification): Đồng nhất xạ ảnh (hay PI) là một cơ chế tâm lý được Melanie Klein giới thiệu trong thuyết Quan hệ với đối tượng (Object relation) vào năm 1946. Đồng nhất xạ ảnh được xem xét như một tiến trình tâm lý khi một người phóng chiếu một ý nghĩ, niềm tin hay cảm xúc đến một người thứ hai. Sau đó, người thứ hai bị thay đổi bởi sự phóng chiếu và bắt đầu có cách cư xử như những gì họ bị phóng chiếu. Đây là tiến trình hầu như xảy ra hoàn toàn ngoài cấp độ ý thức… “Cô ta khiến tôi phải làm điều đó” là khẩu hiệu của cơ chế đồng nhất xạ ảnh.
– Cắm chốt (Fixation): Cắm chốt là qúa trình chủ thể không muốn dừng những hành vi mang lại cảm giác an toàn và cũng không muốn tiếp nhận những hành vi mới, bởi vì những hành vi mới có thể sẽ không tạo được sự an toàn cần thiết. Theo quan điểm của Freud về sự phát triển nhân cách một cách bình thường xuất hiện thông qua một chuỗi các giai đoạn phát triển về tâm sinh dục. Việc chuyển từ giai đoạn này sang một giai đoạn kế tiếp có mối quan hệ mật thiết với những thất bại và những lo âu. Nếu việc lo âu này ngày càng trở nên nghiêm trọng thì sự phát triển về mặt tâm lý tạm thời dừng lại. Bởi vì cá nhân đó cảm thấy sợ và lo lắng khi chuyển sang giai đoạn kế tiếp.
– Giảm mục tiêu (Aim inhibition): “Thỉnh thoảng chúng ta có những ước muốn và những mục tiêu mà chúng ta tin và nhận ra rằng chúng ta không thể đạt được. Giảm mục tiêu là chúng ta hạ thấp hơn cái nhìn của chúng ta, giảm mục tiêu thấp xuống đến mức chúng ta có thể đạt được. Giảm mục tiêu có thể bao gồm các yếu tố như hợp lý hoá (rationalization) và chuyển dịch (displacement). Ví dụ một người ham muốn tình dục đối với người khác vì không thể đạt được ham muốn đó vì người đó đã có gia đình, bản thân họ nhận thức rằng họ chỉ muốn là bạn bè của nhau mà thôi. Muốn và không muốn là nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng, giảm mục tiêu sẽ giúp chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn”.
– Giảm giá trị (Devaluation): Giảm giá trị là quá trình chủ thể quy cho bản thân hay người khác những đặc điểm tiêu cực hay những phẩm chất thấp kém. Điều này được thực hiện để phạt người bị giảm giá trị và làm giảm bớt những tác động và tầm quan trọng của người bị giảm giá trị.
– Hợp lý hoá (Rationalization): Hợp lý hoá hay còn gọi là giải thích hợp lý. Đây là một trong những cơ chế phòng vệ được Sigmund Freud đề cập đến trong học thuyết Phân tâm cổ điển. Theo Tâm lý học, đây là tiến trình chúng ta đưa ra những lời bào chữa sao cho phù hợp với những quyết định, những hành động hay những sự việc đã xảy ra. Tiến trình này có thể nằm hoàn toàn ở cấp độ ý thức. Tuy nhiên, tiến trình này còn có thể nằm hoàn toàn ở cấp độ tiền ý thức (preconciousness) khi chúng ta đưa ra một lời bào chữa để chống lại những cảm xúc tội lỗi xuất hiện ở bên trong (internal feelings of guilts).
– Hài hước(Humor): “Là quá trình chủ thể chỉ tập trung sự chú ý của bản thân vào những khía cạnh hài hước, của vấn đề để giảm bớt lo âu, căng thẳng”.[57] “Hài hước giúp chúng ta bộc lộ được những cảm xúc hay những ý nghĩ bị dồn nén. Chủ đề về hài hước chủ yếu là về: tình dục, đánh nhau và cái chết. Nếu bạn muốn biết điều gì bị dồn nén trong một con người hãy xác định xem anh ta hay chị ta tìm đến sự hài hước về chủ đề gì”.
– Lý tưởng hoá (Idealization): Lý tưởng hoá là một dạng của phủ nhận, đó là tiến trình chủ thể xem xét mọi việc hiện tại đều tốt đẹp để che giấu cảm xúc tiêu cực vốn có trong quan hệ với những người khác”. Nói cách khác thì “lý tưởng hoá là tiến trình chủ thể đánh giá quá mức những gì mà mình đang ao ước và đánh giá thấp những điểm hạn chế về điều mà mình đang ao ước. Chúng ta còn có khuynh hướng lý tưởng hoá những điều mà chúng ta đã chọn hay những điều chúng ta đã đạt được. Đối lập với lý tưởng hoá là “quỷ dữ hoá” (Demonization), là bất kỳ những gì mà chúng ta không thích, không ao ước thì chúng ta phóng đại những điểm yếu và đó là những điểm để hạ thấp vấn đề. Ví dụ: Một người đã mua một vé đi nghỉ mát ở nước ngoài. Anh ta mơ về những điều tốt đẹp sẽ diễn ra như thế nào trong suốt kỳ nghĩ, nào là ở đó không có côn trùng, không nóng nực và không có trộm cướp. Hay tôi mua một chiếc xe hơi thể thao và tôi thán phục những đường nét bóng mượt và tôi lờ đi một điều rằng chiếc xe tôi mua tốn nhiều nhiên liệu và phần nào tôi cảm thấy không thoải mái.
Lý tưởng hoá cho phép chúng ta củng cố thêm cho những quyết định của chúng ta là thông minh và sáng suốt. Vì thế chúng ta tân bốc những điều tốt mà chúng ta đã lựa chọn và hạ thấp những điều làm giảm đi giá trị của những quyết định đó. Chúng ta thường sử dụng cơ chế lý tưởng hoá để đối phó với những ý nghĩ trái ngược nhau đã làm cho chúng ta đưa ra một quyết định sai. Lý tưởng hoá còn giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn khi chú ý đến những điểm mà chúng ta mơ ước”.
– Sự huỷ hoại (Undoing): “Sự huỷ hoại là quá trình chủ thể cố gắng phá huỷ một điều không lành mạnh, những điều tiêu cực hay những ý nghĩ khác có thể đe dọa bằng cách ràng buộc trong những hành vi đối lập. Ví dụ: Sau khi nghĩ về việc sẽ hung dữ với người khác nhưng sau đó nghĩ lại thấy người này trước đây tốt bụng một cách quá mức hay sẵn sàng giúp đỡ mình… Một số người dùng sự huỷ hoại để giảm bớt sự mâu thuẩn trong nhận thức, cảm xúc không thoải mái được tạo ra khi một thái độ và một hành động hay cả hai thái độ có sự xung đột với nhau Đây là một trong những cơ chế phòng vệ nổi tiếng do Sigmund Freud phát hiện trong quá trình làm việc của ông, nhiều cơ chế khác sau này được Anna Freud phát triển và mở rộng”.
– Sự kiềm nén (Suppression): Tiến trình những suy nghĩ ở cấp độ ý thức được đẩy vào cấp độ tiền ý thức.
– Phủ nhận (Denial): “Cơ chế phủ nhận là tiến trình một người khăng khăng không chấp nhận một sự thật mà sự thật đó có bằng chứng xác thực. Phủ nhận có thể là phủ nhận thực tế tất cả những gì mình không hài lòng (simple denial), hay thừa nhận thực tế nhưng phủ nhận tính nghiêm trọng của nó (minimisation) hay thừa nhận cả thực tế và tính nghiêm trọng nhưng phủ nhận trách nhiệm (tranference)…
Lý thuyết về cơ chế phủ nhận được nghiên cứu một cách công phu bởi Anna Freud. Bà đã phân loại phủ nhận như một cơ chế phòng vệ của tâm trí chưa trưởng thành, bởi vì cơ chế này mâu thuẩn với khả năng học hỏi và đương đầu với thực tế của con người. Khi cơ chế phủ nhận xuất hiện ở một tâm trí trưởng thành nó thường liên quan đến cái chết của một ai đó, những người mắc các chứng bệnh nan y hay những người bị cưỡng hiếp.
Trong những nghiên cứu gần đây khái niệm phủ nhận đã có những mở rộng đáng kể về phạm vi và cả tính thiết thực.
Ví dụ như Elisabeth Kubler – Ross đã xem phủ nhận là giai đoạn phản ứng về mặt tâm lý đầu tiên trong năm giai đoạn của những bệnh nhân mắc bệnh nan y sắp chết (1. Phủ nhận, 2. Giận dữ, 3. Trầm cảm, 4. Mặc cả, 5. Chấp nhận) và xa hơn nữa, ý tưởng này đã được mở rộng thành sự phủ nhận của người sống sót trước tin một ai đó chết. Cơ chế phủ nhận rất dễ nhận biết nhưng đây cũng là cơ chế đã gây ra nhiều sự tranh cãi.
Có những loại phủ nhận sau:
Phủ nhận thực tế (Denial of fact):Loại phủ nhận này xuất hiện khi một người tránh né một sự thật bằng sự lừa dối. Những người sử dụng cơ chế phủ nhận bằng sự lừa dối để tránh né rằng những gì họ nghĩ có thể làm cho họ hoặc cho người khác đau đớn.
Phủ nhận trách nhiệm (Denial of responsibility): Dạng phủ nhận này có liên quan đến trách nhiệm của một cá nhân trước những khiển trách, giảm đến mức tối thiểu hay bào chữa.
Phủ nhận tác động (Denial of impact): Dạng phủ nhận này có liên quan đến việc một người tránh suy nghĩ hay tránh hiểu những tổn hại xảy ra có nguyên nhân từ bản thân họ hay từ những người khác. Bởi vì khi làm điều này, họ có thể tránh được những cảm xúc về cảm giác tội lỗi và điều này có thể làm cản trở sự hình thành lòng thương xót hay thấu cảm đối với người khác. Phủ nhận trách nhiệm làm giảm hay loại trừ cảm giác đau đớn hay tổn thương về những quyết định sai lầm.
Phủ nhận nhận thức (Denial of awareness): Đây là dạng phủ nhận gây ra nhiều sự tranh luận nhất bằng cách tìm kiếm khái niệm về trạng thái phụ thuộc vào mức độ nhận thức. Người sử dụng loại phủ nhận này sẽ tránh được sự đau đớn hay tổn thương bằng cách đỗ lỗi cho trạng thái nhận thức khác của mình lúc đó. Ví dụ như: say rượu, say thuốc hay có liên quan đến sức khoẻ tâm thần…”.
– Phản ứng ngược (Reaction Formation/ Reaction conversion): “Phản ứng ngược là quá trình chủ thể dồn nén những suy nghĩ, những cảm xúc khó chịu vào bên trong và thể hiện ra bên ngoài bằng cảm xúc đối lập. Tại sao chúng ta có hành vi này? Sigmund Freud cho rằng, chúng ta sử dụng cơ chế phản ứng ngược để che giấu những cảm xúc thực và chúng ta mong người khác đối xử với chúng ta như những gì chúng ta thể hiện”.[57] Quan sát lâm sàng cho thấy hầu hết thân chủ sử dụng cơ chế này thường không muốn người khác buồn, tổn thương vì vấn đề của họ, nụ cười của họ là biểu hiện rõ nhất. Cơ chế này thường là đặc điểm của rối loạn thần kinh chức năng kiểu ám ảnh. Khi cơ chế này bị lạm dụng quá mức, đặc biệt là trong suốt thời gian hình thành cái Tôi thì điều này có thể trở thành một nét tính cách ổn định của cá nhân. Cơ chế này thường đi kèm với đặc điểm ám ảnh và những rối loạn nhân cách ám ảnh.”
– Phóng chiếu (Projection): “Phóng chiếu là tiến trình chủ thể gán cho một đối tượng khác những ý nghĩ, những cảm xúc mà bản thân chủ thể không thể chấp nhận hay không muốn. Phóng chiếu có tác dụng làm giảm lo âu, cho phép chủ thể bộc lộ những xung động hay những ước muốn nhưng cái Tôi không nhận ra điều đó”.
“Đây là cơ chế đối lập với cơ chế đổng nhất hoá (identification). Phóng chiếu bao gồm hai yếu tố: thứ nhất chủ thể sẽ không nhận biết được một đặc điểm về chính bản thân mình. Thứ hai, chủ thể quy cho một người khác có đặc điểm đó. Thay vì nói: “Tôi ghét mẹ tôi” thì cá nhân sử dụng cơ chế phóng chiếu nói rằng: “Mẹ tôi ghét tôi”. Phóng chiếu là một cơ chế phòng vệ thường hay được sử dụng nhiều nhất, khi đó chủ thể muốn cố gắng nâng cao lòng tự trọng của họ. Một người cố gắng đưa ra những cái nhìn tích cực về bản thân tại cùng lúc đó lại đánh giá thấp những người khác.
– Phân ly (Dissociation): Phân ly là một trạng thái tâm lý khi những suy nghĩ, cảm xúc, những cảm giác hay những kí ức được phân tách ra thành những phần khác nhau của tinh thần. Với nghĩa này thỉnh thoảng phân ly được xem như “sự tách đôi”(splitting). Nhà Tâm thần học người Pháp Pierre Janet (1861-1947) đã đề cập đến dạng cơ chế này trong cuốn sách L’ Automatisme Psycholoique, ông nhấn mạnh vai trò của nó như là sự phản ứng phòng vệ với những tổn thương về mặt tâm lý. Mặc dù ông xem xét phân ly là một tác động của cơ chế phòng vệ dẫn đến sự rút lui về mặt tâm lý của một cá nhân trước những sự kiện tràn ngập những tổn thương, tuy nhiên ông còn nâng phân ly lên thành một bệnh về tâm lý. Sổ tay thống kê và chẩn đoán rút gọn các rối loạn tâm thần của Hội tâm thần học Hoa Kỳ, xuất bản lần thứ 4 (DSM-IV) xem xét những triệu chứng như: mất nhân cách, tri giác sai thực tại và những chứng quên bắt nguồn từ tâm lý có thể trở thành những dấu hiệu chính của Rối loạn phân ly (Dissociation Disorder)… Phân ly được xem là một đặc điểm lâm sàng mới trong những năm gần đây và được xem là yếu tố đi kèm với rối loạn Stress sau chấn thương và những nghiên cứu đã chứng minh mối liên hệ này. Cơ chế phân ly rất giống với cơ chế chia thành ngăn (compartmentalization).
– Tách đôi (Splitting): “Là quá trình chủ thể nhìn nhận sự việc hay con người ở thế giới bên ngoài theo chiều hướng “tất cả đều tốt đẹp” hay “tất cả đều xấu”hoặc thấy cuộc đời này toàn màu hồng hay cuộc đời này toàn màu đen”.
– Tưởng tượng (Fantasy): Là quá trình chủ thể cố gắng điều khiển những vấn đề không thể đạt được ở thế giới thực bằng cách mơ mộng hay giải quyết vấn đề trong một thế giới ảo.
– Thăng hoa (Sublimation): Freud cho rằng thăng hoa là qúa trình chủ thể chuyển những xung động mang tính bản năng không thoả mãn trực tiếp hay không được xã hội chấp nhận sang những hoạt động được xã hội chấp nhận hay đề cao. Theo S. Freud thì năng lượng tính dục không được thoả mãn khi được thăng hoa có thể tạo ra những tác phẩm lớn.
– Thoái lùi/thoái bộ (Regression): “Thoái lùi/thoái bộ là quá trình chủ thể quay trở lại một giai đọan phát triển trước đó thay vì phải chuyển sang giai đọan tiếp theo. Vấn đề này thường xuất hiện khi một người phải đương đầu với những đe doạ. Trẻ em có thể trở lại với những hành vi của thời ẵm bồng khi chúng cảm thấy bị đe doạ về sự mất mác tình thương yêu. Người lớn có thể rút lui khỏi những hoạt động tình dục với người khác giới bởi vì họ cảm thấy họ không trưởng thành về mặt tâm lý và rút lui khỏi những hoạt động đó để tránh tình huống gây ra sự lo âu. Thông thường thì điều này dẫn đến quyết định thoái lùi về một giai đoạn phát triển mà trước đây họ đã trải qua. Việc thoái lùi cũng có mức độ nhất định và việc thoái lùi về một giai đoạn phát triển không có nghĩ là thoái lùi hoàn toàn.
– Trí thức hoá (Intellectualization): “Trí thức hoá là quá trình chủ thể tách cảm xúc của bản thân ra khỏi một vấn đề nào đó và tập trung vào vấn đề đó thay vì là tập trung vào thực tế. Trí thứ hoá bảo vệ bản thân chống lại sự lo âu bằng cách ngăn chặn những cảm xúc có liên quan đến vấn đề mà chúng ta đang đối mặt. Ví dụ: Một người vợ nhận được tin rằng chồng mình sắp chết vì một căn bệnh ung thư. Cô ta có thể học tất cả mọi thứ về căn bệnh này như vấn đề tiên lượng bệnh, điều trị bệnh như thế nào để tìm cách giúp người chồng sắp chết. Điều đó sẽ giúp cô ta ngăn chặn được sự tấn công dữ dội của cảm xúc mất mác, giận dữ từ sự kiện cô ta sắp mất người mà mình thương yêu nhất. Freud cho rằng, trí nhớ có thể tồn tại ở hai cấp độ: ý thức và tiền ý thức. Trí thức hoá có thể cho phép sự phân tích của ý thức có thể chọn lọc những thông tin không gây lo âu về sự kiện đó.
– Tránh né (Avoidance): Tránh né là quá trình chủ thể tìm những cách để tránh đối mặt với những tình huống, những vấn đề và những hoạt động mang lại cảm giác không thoải mái. Tránh né có thể bao gồm việc chúng ta tránh khỏi những tình huống gây ra sự căng thẳng. Ngoài ra tránh né còn được thể hiện ở việc tránh thảo luận hay thậm chí là tránh suy nghĩ về những chủ đề mà mình muốn tránh né. Ví dụ: Tôi không thích những người khác tại công sở. Tôi tránh việc đi ngang qua bàn của họ, khi mọi người nói về họ tôi không nói gì. Tránh né là cách đơn giản để đối phó với tình huống mà chúng ta không muốn đương đầu với nó. Khi cảm giác không thoải mái xuất hiện, chúng ta tìm cách tránh việc trải nghiệm chúng. Tránh né là cơ chế phòng vệ thường thấy ở các thân chủ có rối loạn ám sợ (Phobia disoder) ám sợ. Trì hoãn là một dạng của tránh né. Chúng ta hoãn lại ngày mai những gì hôm nay chúng ta tránh né”. Cơ chế tránh né thường được thân chủ sử dụng trong giai đoạn đầu của tiến trình tham vấn vì ở giai đoạn này mối quan hệ giữa tham vấn mới bắt đầu nên có thể thân chủ chưa tin tưởng. Đặc biệt là những vấn đề của thân chủ có liên quan đến yếu tố tình dục thì cơ chế tránh né thường thể hiện khá rõ. Thân chủ sẽ dẫn dắt nhà tham vấn đi lòng vòng bởi những vấn đề khác mà không tập trung vào vấn đề chính cho đến khi nào mối quan hệ tin tưởng được xác lập.
– Vị tha (Altruism): “Là quá trình chủ thể thoả mãn những nhu cầu bên trong bằng cách giúp đỡ người khác”.
– Gây hấn thụ động (Passive aggression): Là quá trình chủ thể thể hiện cảm xúc giận dữ một cách gián tiếp. Gây hấn thụ động thường xảy ra khi một người bị bắt buộc làm điều gì. Họ làm nhưng giận dữ vì họ không thích hay không hài lòng khi làm việc đó, sự giận dữ được thể hiện qua hành vi, cử chỉ hay sự chống đối ngầm với đối tượng. Cơ chế này thường xảy ra trong mối quan hệ giữa cấp dưới và cấp trên trong công việc.
…
(Trích lược từ Luận văn của Ths Ngô Minh Duy)